Truyền thuyết Wat Phnôm - Chùa bà Pênh Phnômpênh Campuchia

10. Wat Phnom–Chùa Núi hay còn gọi là Chùa bà Pênh

Nằm tại giao lộ của đường 96 và đường Norodom, Wat Phnôm là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Phnôm Pênh, tên gọi của thủ đô Phnôm Pênh cũng bắt nguồn từ truyền thuyết tại ngôi chùa này.
Chùa Wat Phnôm - Chùa Bà Pênh Campodia
Chùa Wat Phnôm - Chùa Bà Pênh Campodia
Chùa nằm trên đồi cao giữa một quảng trường lớn. Có bậc thang để đi lên. Hai bên bậc thang có tạc hình rắn Naga 7 đầu. 

Rắn Naga - được xem là linh vật ở Campuchia, đó là lý do biểu tượng rắn Naga luôn xuất hiện ở mọi nơi ở đất nước chùa tháp: trên cầu thang, các lối đi, ở ngưỡng cửa, các công trình kiến trúc, cầu, chùa hoặc trên các mái nóc các ngôi đền cổ để xua đuổi tà ma. Rắn Naga được xem là vị thần canh giữ chốn linh thiêng ngoài ra còn là biểu tượng cho sự phồn vinh và là loài có khả năng bảo vệ nguồn nước cho người Campuchia.

Thờ thần rắn 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu là tập tục tín ngưỡng thiêng liêng của người Khmer cổ. Họ quan niệm, rắn 3 đầu tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân. Rắn 5 đầu tượng trưng cho 5 thành tố của trời đất là Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Còn rắn thần 7 đầu là sự đắc đạo trong tu hành. Tối cao là rắn thần 9 đầu là biểu tượng cho con đường dẫn đến thiên đàng.

 
Đến nơi mới biết ở đây có thu phí tham quan đối với khách du lịch, ban đầu mình cũng ngạc nhiên vì không thấy có quầy thu phí, đến khi nghe bà chị mình bảo là nếu mình chỉ đứng dưới đây tham quan chụp hình thì thôi, chứ nếu hễ em bước lên bậc thang lên chùa tự động sẽ có người đến thu tiền phí, đặc biệt nếu là dân bản xứ thì được tự do, họ chỉ thu tiền đối với khách du lịch. Đến khi mấy chị em bước lên được chừng chục bậc thang, thì có ngay một anh người Campuchia chạy lại và đòi thu phí tham quan chùa, lúc đầu anh ta đòi 3$/người, bà chị mình là thổ địa ở đó, biết rành mức giá nên thắc mắc hỏi lại sao lại thu cao hơn bình thường, anh ấy mới đồng ý thu 2$/người. 


Ai nấy đều bảo Núi Bà Pênh rất linh thiêng, nhưng đến chùa chiềng, chốn linh thiêng mà phải tốn phí tham quan thấy không hợp lý rồi, đã vậy lại còn phải “mặc cả trả giá” - điều này làm giảm đi sự tôn nghiêm vốn có của chùa chiềng, hơn nữa nó cũng để lại ấn tượng không được đẹp lắm về văn hoá Campuchia.
Tháp trống ở trước sân chùa bà Pênh
Tháp trống ở trước sân chùa
Ngay trước sân chùa có bán hoa sen, nhang đèn, chim chóc để du khách có thể đến viếng cúng chùa hoặc mua chim để phóng sanh.
Chánh điện chùa Wat Phnôm (Chùa bà Pênh)
Chánh điện chùa Wat Phnôm (Chùa bà Pênh)
Bên trong chùa bà Pênh có thờ Phật, Khổng Tử, và thờ thần Vishnu
Bên trong chùa bà Pênh có thờ Phật, Khổng Tử, và thờ thần Vishnu
Cột, trần, vách chùa Wat Phnôm đều được vẽ rất đẹp
Cột, trần, vách chùa Wat Phnôm đều được vẽ rất đẹp

Tượng bà Pênh campuchia
Tượng bà Pênh
Tượng bà Pênh nằm sau chánh điện, là tượng bán thân, được tạc bằng đá sa thạch. Sau khi khấn vái xong, bà chị dẫn tụi mình lại phía bên cạnh nơi thờ tượng bà Pênh xin lộc, ở đây có một người đàn ông lớn tuổi sau khi biết bọn mình muốn xin lộc ông ta liền ra hiệu quỳ xuống, mấy chị em thấy vậy liền quỳ xuống thì ông ấy liền khấn một bài kinh bằng tiếng miên, khấn xong lấy nước hoa sen rẩy lên mình tụi mình rồi mới lấy sợi chỉ đỏ đeo vào tay cho từng đứa, sợi dây là biểu trưng cho dây tơ hồng và sự may mắn.
Chùa bà Pênh Phnômpênh Campuchia
Bọn mình men theo con đường đá bên cạnh chùa để đi xuống. Ở đó có một cái đồng hồ rất lớn nằm trên sườn đồi, mặt đồng hồ được làm bằng cỏ rất ấn tượng.
Tượng vua Ponhea Yat phía sau đồng hồ cỏ chùa bà Pênh
Tượng vua Ponhea Yat phía sau đồng hồ cỏ
Vua Ponhea Yat là vị vua đầu tiên lấy Phnôm Pênh làm thủ đô.


Với tuổi đời hơn 600 năm (xây dựng năm 1373), Chùa Núi nằm trên một quả đồi nhỏ đánh dấu sự huyền bí của một truyền thuyết kể về nguồn gốc của sự hình thành thủ đô Phnôm Pênh.

Truyền thuyết kể rằng vào năm 1372, khi vùng đất này còn là một đầm lầy với một ngôi làng nhỏ sống bằng nghề chài lưới. Sau một trận lũ khủng khiếp, một người đàn bà giàu có tên Pênh phát hiện một cây bồ đề dạt ngoài bãi sông, bên trong ruột cây rỗng là 4 bức tượng phật bằng gỗ.

Nghĩ đó là nhân duyên nên bà quả phụ mộ đạo phát tâm, quyết xây chùa thờ Phật. Nhưng thời bấy giờ nạn lụt lội hoành hành, năm nào nước sông từ dòng Mê Kông cũng dâng cao nên bà Pênh kêu gọi dân chúng đắp một ngọn đồi nhân tạo (Phnôm có nghĩa là đồi) và xây dựng ngôi chùa nhỏ (Wat nghĩa là chùa) để thờ 4 pho tượng phật. Tên gọi Wat Phnôm bắt nguồn từ đó.

Về sau để ghi nhớ lòng thành của bà quả phụ này, người dân đã ghép tên bà Pênh với ngọn đồi nhân tạo, gọi là Phnôm Pênh (đồi bà Pênh).

Sự linh thiêng của 4 pho tượng phật trong Wat Phnôm đã khiến cư dân ngày càng đông di chuyển tới sinh sống xung quanh ngôi chùa và dần hình thành một cộng đồng, tiền thân của thủ đô Phnôm Pênh ngày nay.

Tên gọi của thủ đô Phnôm Pênh cũng bắt nguồn từ truyền thuyết này, Phnôm Pênh có nghĩa là Ngọn đồi bà Pênh 

Thiên Hương

1 Comments

  1. Chương trình tour Campuchia vietskytourism tết 2018 giá bao nhiêu vậy?

    ReplyDelete
Previous Post Next Post