Tổ Ong Khoái |
Để trả lời câu hỏi này bạn cần phải hiểu rõ những chú ong không hề tạo ra mật. Mật ong mà chúng ta biết chính là mật hoa sau khi đã được những chú ong tổng hợp, hút và lọc nước. Thành phần mật ong chủ yếu là đường Fructose (khoảng 38%), Glucose (khoảng 31%), nước (17%), dầu và một loại enzym đặc biệt.
SƠ ĐỒ THÀNH PHẦN CỦA MẬT ONG |
Bước đầu tiên trong quá trình làm mật được bắt đầu khi con ong thợ đi thu thập mật hoa (mật hoa lúc này chứa tới gần 80% nước và một số loại đường phức tạp) vào đầy túi dạ dày đặc biệt (loài ong có 2 dạ dày, một cái dùng để chứa mật hoa và một cái thông thường dùng để tiêu hoá thức ăn của mình) rồi bay về tổ.
Một con ong thợ khác ở tổ có nhiệm vụ tiếp nhận mật hoa và nuốt vào dạ dày, sau đó dùng vòi đưa giọt mật từ trong dạ dày ra ngoài rồi lại đưa ngược vào trong và lặp đi lặp lại liên tục trong vòng nữa tiếng. Quá trình này được gọi là quá trình “nhai mật hoa”, lúc này enzym trong miệng sẽ chuyển hoá các loại đường phức tạp trong mật hoa thành những loại đường đơn giản, vừa dễ tiêu hoá hơn, vừa giảm khả năng xâm nhập của các loại vi khuẩn trong khi bảo quản cất giữ.
Quá trình Ong làm ra mật |
Sau đó, ong thợ sẽ tìm một lỗ ong còn trống trong tổ và nhỏ giọt mật vào. Loại mật này mới luyện còn chứa nhiều nước (khoảng 40 - 80%), muốn đạt tiêu chuẩn thì còn phải qua một quá trình làm đặc sánh lại cho đến khi lượng nước trong mật ong chỉ còn 17 – 20%. Lúc này những con ong thợ sẽ dùng đôi cánh của mình quạt tạo gió để tăng nhanh sự bốc hơi nước trong mật, một số những con ong thợ khác làm nhiệm vụ di chuyển các giọt mật từ lỗ ong này sang lỗ khác để quá trình bốc hơi được nhanh chóng. Mật ong non sẽ trở thành mật ong sánh khi đạt độ già (17-20% nước), ong thợ sẽ dùng sáp ong bít nắp lỗ lại. Để thời gian càng lâu thì nước trong mật hoa sẽ bị cô cạn và càng đậm đặc hơn. Vậy là hoàn thành quá trình chế tạo mật hoa thành mật ong.
Ong rừng lấy mật của nhiều loại hoa, mà phấn hoa là một trong những thành phần tạo nên chất lượng của mật. Ong nuôi thường được đặt cố định một nơi nên thường ăn chỉ một loại hoa. Chính vì thế mà mật ong rừng luôn thơm ngon hơn mật ong nuôi và giá cả cũng vì thế mà có sự khác biệt. Giá mật ong rừng thường cao hơn gấp 4, 5 lần (khoảng 800.000 đ – 1.200.000 đ) so với mật ong nuôi (200.000 đ - 300.000 đ) không chỉ bởi sự khai thác khó khăn mà còn bởi mùi vị cũng như chất lượng của mật ong rừng cao hơn hẳn so với mật ong nuôi.
Mật ong rừng lấy từ tổ các loại ong ruồi, ong mật:
1- Mật ong Khoái:
Ong mật còn gọi là ong khoái, tổ có kích thước rất lớn, năng xuất mật cao, rất hung dữ, khi tổ bị quấy phá thì cả đàn tấn công lại, tổ thường ở các hốc cây, hốc đá hay dưới các cành cây to, có thể bắt về nuôi được để lấy mật.
Thu hoạch mật ong |
Đa số mọi người sẽ nghĩ là cả tổ ong to tướng toàn là mật, cả bản thân mình trước đây cũng nghĩ vậy, nhưng thực sự không phải vậy, xem hình tổ ong khoái dưới đây mình sẽ giải thích:
Tổ ong Khoái gồm 3 phần |
- Phần 1 - Bầu mật: Đây là phần chỉ chứa mật ong của tổ, không có phấn hoa và nhộng non. Phần sáp màu trắng sữa chứa đầy mật ong, còn được gọi là bầu mật (hay bọng mật).
- Phần 2 - Phấn hoa: Chứa phấn hoa, phấn hoa được ong thợ lấy về và chứa đầy trong các lỗ sáp, phần tiếp giáp rìa ngoài có thể lẫn mật ong hoặc nhộng non.
- Phần 3 - Tàn ong: Đây là phần lớn nhất của tổ ong, chỉ chứa ong non, không có mật. Là nơi sinh sản ấu trùng ong (nhộng ong non).
2- Mật ong Ruồi:
Ong ruồi thuộc họ ong mật. Ong nhỏ con (bằng con ruồi trâu). Đàn ít con, nọc ít độc, mật thơm nhưng rất ít nên không nuôi lấy mật. Trong tự nhiên ong ruồi sống hoang dại hay làm tổ trong bọng cây, bụi cỏ hay dưới các cành cây tre, lá dừa.
Tổ ong ruồi cũng gồm ba phần giống như tổ ong khoái, nhưng tổ ong ruồi nhỏ và chứa ít mật hơn.
Mật ong ruồi ở rừng có chất lượng thơm, ngon, đậm đặc, mùi vị đặc trưng, tổ ong ruồi nhỏ nên để có được 1 lít mật ong phải vắt tới 16 tổ ong (2 hình bên dưới), còn những tổ ong khoái loại lớn có thể cho đến 2 hoặc 3 lít mật là chuyện bình thường. Do đó, mật ong ruồi có giá trị kinh tế cao hơn so với ong khoái, giá mật ong ruồi ở rừng có giá dao động ở mức 1.000.000 đ - 1.200.000 đ/lít mật, còn giá mật ong khoái ở mức 600.000 đ - 800.000 đ.
Tổ ong ruồi cũng gồm ba phần giống như tổ ong khoái, nhưng tổ ong ruồi nhỏ và chứa ít mật hơn.
Bầu mật và phấn hoa tổ ong ruồi |
Tàn ong chỉ chứa nhộng ong non, dùng để ngâm rượu |
Những hình ảnh này mình thu thập được từ những người bán mật ong dạo ở công viên. Họ treo những tổ ong trên 2 nhánh tre nhỏ trên xe máy, hỏi thăm thì biết ngày nào họ cũng bán mật ở đây và rao bán với giá 1.400.000 đ/lít mật, bảo là ong rừng 100% và vắt tai chổ. Trong khi nơi mình sống là vùng đồng bằng, mình nghe thế thấy lạ nên hỏi:"ong này bắt tại rừng nào thế anh?" thì họ ấp úng, bảo là ở rừng gần đây??? "Gần đây có rừng nào hả anh?" thì họ không trả lời!?
Vì đặc tính của ong ruồi tổ nhỏ mật ít nên không nuôi lấy mật được, nên loại trừ trường hợp họ bán ong nuôi, khi họ đang vắt từ tổ bán cho khách mình quan sát và nếm thử, về màu sắc mật có màu vàng đậm, loãng, vị ngọt bình thường, mùi chỉ thơm nhạt mùi một vài loại hoa, không phải mùi vị mật ong rừng, bởi vì mật ong rừng nếu bạn từng được nếm qua bạn sẽ không khó để phân biệt, do ong lấy mật từ rất nhiều loại hoa nên mật sẽ mùi vị thơm ngon đặc trưng, vị ngọt của mật rừng khi uống vào sẽ làm khé cổ, chỉ muốn uống nước ngay lúc đấy (hôm đó là ngày 22/4/2015).
Vậy chỉ còn một trường hợp duy nhất đó là các tổ ong ruồi này được bắt ngoài tự nhiên, nhưng ở vùng đồng bằng chứ không phải ở rừng như lời quảng cáo. Thời điểm tháng 4 là thời điểm ong cho nhiều mật nhất trong năm, đó là lý do ngày nào họ cũng có mật bán. Nhưng giá mật ong ở đồng bằng thường mỗi lít chỉ có giá vài trăm ngàn đồng. Còn loại có giá trên dưới một triệu đồng là mật lấy từ ong ruồi ở rừng. Tổ ong ruồi này cũng không lớn, cho ít mật, nhưng chất lượng thơm, ngon, đậm đặc, người có kinh nghiệm sẽ không khó để nhận biết.
Thiên Hương
Chia sẽ rất bổ ích, cám ơn rất nhiều!
Trả lờiXóa