Khổng tử dạy làm người qua câu chuyện nồi cơm bẩn

Khổng tử (Khổng phu tử) là danh hiệu tôn kính của hậu thế dành cho Khổng Khâu, ông sinh ngày 27 tháng 8, 551 TCN (mất năm 479 TCN) là người rất thông minh, ham học, tính tình nhân hậu, giản dị, khiêm nhường và giàu tình cảm... làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, chu đáo, bất cứ việc gì ông cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Ông sống thanh đạm, trọng nghĩa khinh tài.Câu chuyện nồi cơm bẩn của Đức Khổng Tử

Đức Khổng tử là giảng sư và là một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Ông được người đời suy tôn là "Thầy của muôn đời", không chỉ những lời dạy của Khổng Tử, mà cách đối nhân xử thế đời thường của Đức Khổng tử đã trở thành giai thoại được hậu thế kể lại hàm chứa những bài học đạo lý làm người sâu xa.

Từ năm 34 tuổi, suốt gần 15 năm, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước: Tề, Vệ, Trần, Tống, Thái, Sở... để truyền bá các tư tưởng mong thuyết phục các vua chư Hầu chịu đem Đạo của ông ra dùng để đem lại thái bình cho dân chúng.

KHỔNG TỬ DẠY LÀM NGƯỜI QUA CÂU CHUYỆN NỒI CƠM BẨN

Lần nọ, Khổng Tử dẫn học trò đi đến biên giới giữa nước Lỗ và nước Tề thì lương thực vừa cạn hết. Gặp lúc nước Tề đang mất mùa vì hạn hán, dân chúng bị đói khổ cùng cực khắp nơi. Mấy thầy trò Khổng Tử lâm vào cảnh phải ăn rau cháo qua ngày. Những ngày sau, ngay cả cháo loãng cũng không còn, phải nhịn đói nhin khát, ăn rau dại cầm hơi. Khổ cực nhưng đám học trò Khổng Tử không một ai thoái chí, kêu than, đều một lòng theo Thầy đến cùng. 

Trong đám học trò, Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

Ngày đầu tiên đặt chân đến nước Tề, may mắn có một nhà Phú hộ nghe danh Đức Khổng Tử từ lâu, thấy cảnh mấy Thầy trò khổ cực nên đến biếu Thầy trò Khổng Tử một ít gạo. Thầy trò Khổng Tử vui mừng phấn khởi, Khổng Tử liền phân công Tử Lộ có nhiệm vụ dẫn các môn sinh khác vào rừng hái rau, còn Nhan Hồi thì được phân công ở nhà nấu cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm? Bởi lẽ, Nhan Hồi là một đệ tử đức độ, lễ nghĩa mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất. Trong hoàn cảnh đói kém cùng cực này - phân công Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh khác vào rừng hái rau, Nhan Hồi thì đang nấu cơm ở nhà bếp. Khổng Tử lúc đó đang nằm ngủ ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang nằm ngủ bỗng nghe một tiếng “cộp” từ dưới bếp vọng lên, Khổng Tử nghe tiếng động liền tỉnh giấc, nhìn quanh, bất giác khi nhìn xuống dưới bếp thì nhìn thấy Nhan Hồi… đang từ từ mở vung, dùng đũa xới cơm trong nồi ra, cho vào lòng bàn tay và nắm lại từng nắm nhỏ… Sau đó, Nhan Hồi đậy vung nồi lại, đưa mắt nhìn chung quanh… rồi từ từ đưa nắm cơm vào miệng…

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua cặp mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò bậc nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, hèn hạ như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là đã tan thành mây khói hết cả rồi!”

Rồi Khổng Tử vờ như không thấy, quay mặt vào tường ngủ tiếp.

Một lát sau, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ...

Sau khi rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên. Nhan Hồi kính cẩn bước vào nhà trong, nhẹ nhàng lay thầy dậy: “Thưa Phu tử, cơm đã dọn xong, mời Thầy xuống dùng bữa!”. 

Khi thầy trò đều ngồi vào bàn thì Khổng Tử liền nói rằng: "Các con ơi! Chúng ta vượt đường xa vạn dặm đi từ đất Lỗ sang Tề, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh hạn hán, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn một dạ theo thầy, các con vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước…

Hôm nay, ngày đầu tiên Thầy trò ta đặt chân đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để dâng cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?"

Tất cả các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!” - Trừ chỉ có Nhan Hồi đứng im.

Đoạn, Khổng Tử bê bát cơm chuẩn bị mang đi cúng.

Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, con nghĩ là không nên cúng” 

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?” 

Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, bởi vì nồi cơm này không được sạch.” 

Khổng Tử hỏi tiếp: "Nồi cơm không được sạch?"

Nhan Hồi thưa: “Dạ đúng vậy thưa Thầy, nồi cơm này không được sạch! Khi cơm gần chín trong lúc mở vung ra xem thử cơm trong nồi đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió mạnh thổi đến, làm cho bụi bặm và bồ hóng ở trên gác bếp rơi xuống. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp, lớp trên cùng nồi cơm đã có đầy bụi bẩn.

Sau đó con dùng đũa lấy lớp cơm bẩn ra, định sẽ đem vất đi. Nhưng rồi con lại nghĩ rằng: Thầy trò ta lâu rồi không được ăn cơm, cơm thì ít mà anh em lại đông. Mà số cơm bẩn lại nhiều tương đương với phần ăn của một người. Vì thế cho nên con đã mạn phép Thầy và các sư huynh đệ, ăn trước phần cơm bẩn ấy. Thưa Thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa Thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa!”.

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt nữa ta trở thành một kẻ xét đoán hồ đồ bất công rồi!” 

"Câu chuyện Nồi cơm bẩn" không chỉ Khổng Tử dạy làm người, mà qua đó Đức Khổng Tử còn dạy chúng ta một bài học lớn về cách nhìn người, nhìn vật:

Bình sinh Khổng tử dạy học trò đạo làm người trước tiên phải luôn giữ gìn chữ lễ, biết kính trên nhường dưới. Khi ông nhìn thấy Nhan Hồi ăn vụng cơm, Nhan Hồi lại là người học trò ông kỳ vọng và yêu thương nhất mực, bỗng dưng làm một chuyện đáng hổ thẹn như vậy ắt không khỏi khiến ông đau lòng, thất vọng. Nhưng Khổng Tử ứng xử rất khéo léo. Ông không vội vàng phán đoán khẳng định, mắng phạt Nhan Hồi.

Nếu Khổng Phu Tử không đủ NHẪN để cấp thêm một cơ hội cho người học trò thì đương nhiên nỗi oan của Nhan Hồi sẽ chẳng bao giờ được giải.

Con người ta thường chỉ tin vào những gì mình tận mắt thấy. Tục ngữ có câu “Nhãn kiến vi thực” (chính mắt nhìn thấy thì mới là thật). 

Nhưng trên đời này có những thứ dù mắt thấy, tai nghe chưa chắc đã là sự thật. 

Do đó, đừng vội vàng đánh giá người khác qua hành động bề ngoài, đừng nhìn nhận họ bằng con mắt thường. Có những việc có sự tình uẩn khúc bên trong - nếu chỉ nhìn bằng cặp mắt thường sẽ không tài nào lý giải được chân tướng sự việc. Muốn thấu hiểu họ, hãy nhìn bằng cái tâm. 

Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post