Rác và Hoa

Rác và Hoa
Con người ta thường có tâm lý sợ hãi, chán ghét khổ đau nên luôn tìm cách trốn chạy khổ đau. Đó là tâm lý chung của tất cả mọi người, tâm lý trốn chạy cõi khổ đau này để đi tìm một cõi khác không có khổ đau. Người ta thường mơ tưởng đến một cõi không còn khổ đau và gọi đó là miền Cực lạc hay Thiên Đường.

Nhưng ý niệm cho rằng Thiên đường - Cõi Trời là một nơi thần tiên không có khổ đau, cũng như cho rằng cõi Cực lạc - Cõi Phật là nơi không chứa đựng phiền não, khổ đau là những ý niệm còn ngây thơ.

I. ĐỪNG CHẠY TRỐN KHỔ ĐAU

Quán chiếu với đời sống của Sen, ta thấy: Hoa Sen mọc lên từ bùn nhơ.

Như vậy có thể nói rằng: không có bùn thì không thể có Sen, chỗ nào có sen là chỗ đó có bùn và chỗ nào có bùn thì ở đó chúng ta có thể trồng sen. Nếu ta muốn có được những bông hoa sen trang nhã thanh khiết thì nhất định phải có bùn nhơ (rác).

Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy. Chính nhờ chất bùn là đại diện cho khổ đau mà tạo ra được Hoa Sen là đại diện cho hạnh phúc. Quán chiếu tính tương thức giữa rác và hoa, giữa phiền não và hạnh phúc. Chúng ta thấy rằng làm gì có hiểu, có thương, có hạnh phúc nếu không có khổ đau? Giống như làm gì có Sen nếu không có bùn?

Chính khổ đau đã dạy cho ta biết hiểu và biết thương. Nơi nào có hiểu và có thương thì nơi đó có hạnh phúc. Nơi có hạnh phúc thì tất nhiên sẽ ít khổ.
Đừng chạy trốn khổ đau!
Nếu không có khổ đau thì không có hạnh phúc
Do đó, ta không nên chạy trốn khổ đau, mà là phải nhận diện và phải nhìn sâu vào nó. Nhìn sâu vào trong khổ đau để thấy được nguyên nhân, gốc rễ của khổ đau. Chỉ khi ta hiểu sâu sắc được bản chất và căn nguyên những thứ tạo ra khổ đau từ đó mới có thể chuyển hoá và chấm dứt khổ đau, để đi tới hạnh phúc.

II. KHỔ ĐAU RÈN LUYỆN CON NGƯỜI BIẾT HIỂU & THƯƠNG

Có thể nói khổ đau rèn luyện con người. Cho con người có cơ hội để hiểu biết và cũng chính từ sự hiểu đó mới có tình thương được.

Khổ đau cho con người cơ hội để hiểu và thương
Chúng ta hãy thử gửi con cháu ta tới một nơi không có khổ đau. Con cháu ta sẽ không bao giờ có cơ hội học hỏi để hiểu và để thương. Bởi đơn giản, chúng ta lấy gì để nuôi Sen nếu không có Bùn?

Một nơi mà không có khổ đau thì cũng không có hiểu biết và thương yêu. Nếu không có hiểu và thương thì chắc chắn cũng sẽ không có hạnh phúc.

Được nghe câu chuyện kể về một ông Chánh án nọ. Khi con trai ông ấy tốt nghiệp trung học: "ông đã chúc con trai ông bất hạnh và gặp nhiều đau khổ trong đời". Lý giải cho điều này ông nói: "Thông thường mọi người sẽ thường hay chúc con họ gặp nhiều may mắn và mong mọi điều tốt đẹp trong tương lai sẽ đến với con. Ta sẽ không làm thế và giờ ta sẽ nói tại sao:

Từ giờ về sau, ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có như vậy con mới cảm nhận được giá trị của sự công bằng. Ta hy vọng con có thể nếm trãi được một chút mùi vị của sự phản bội, bởi chỉ có như vậy con mới có thể lĩnh hội được tầm quan trọng của sự chân thành. Xin lỗi phải nói thế này, nhưng ta hy vọng con cảm nhận được sự cô đơn hàng ngày, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được rằng người bạn đời bên cạnh không phải là thứ trời cho, mà con phải giữ gìn. Ta hy vọng con có thể gặp xui xẻo một vài lần, bởi chỉ có như vậy con mới có thể hiểu được ý nghĩa của cơ hội và vận may trong đời. Con mới hiểu được sự thành công có lẽ phần lớn chỉ là do vận may và sự thất bại của người khác cũng không phải là do họ không nỗ lực. Ta hy vọng khi con gặp thất bại, sẽ có nhiều đối thủ châm chọc và cười nhạo trên sự đau khổ của con, như vậy con mới hiểu được có phong độ rốt cuộc quan trọng như thế nào. Ta hy vọng rằng thỉnh thoảng con sẽ bị người khác coi thường, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được học cách tôn trọng và lắng nghe quan trọng tới mức nào. Và ta cũng hy vọng con sẽ có đủ đau đớn, để học cách cảm thông.

khổ đau rèn luyện con người hiểu và thươngDù ta có hy vọng hay không thì sớm muộn gì nó cũng xảy ra trong cuộc sống của con. Con có thể tiếp thu được gì hay không từ lời ta nói đều dựa vào việc con có nhìn thấy những bài học trong khổ đau của mình hay không.

Socrates, một nhà triết học Hy Lạp từng nói: "Cuộc sống mà không có những trãi nghiệm thì không đáng sống"

Dù con có là người hoàn hảo, thì không có nghĩa là con sẽ không thay đổi bản thân. Nghĩa là không nên để cái tôi của mình quá lớn, mà nên cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn nữa"

III. SỰ SỐNG VÔ THƯỜNG

Cây Sen mọc lên từ bùn nhơ. Sau đó thì bùn dơ lại biến thành rác trở lại..

Rác vô thường mà hoa cũng vô thườngNgay trong cơ thể ta cũng có rác và hoa. Khi trước mặt ta là một dĩa thức ăn thơm ngon, thì dĩa thức ăn đó là hoa. Nhưng sau khi ăn thì dĩa thức ăn đó sẽ biến thành rác. Tất cả những chất liệu bổ dưỡng thấm vào cơ thể ta, lúc đầu là chất nuôi dưỡng, nhưng sau đó nó cũng thành rác và ta phải bài tiết ra bên ngoài, ta bài tiết không chỉ bằng cách đi vệ sinh, mà còn bằng cách thở hay toát mồ hôi. Những chất ta bài tiết ra đều là rác. Nhìn vào bát cơm thơm ngon ta hiểu đó chính từ rác mà ra. Vì nếu không có phân rác thì làm sao ta trồng ra hoa trái, lúa gạo?

Khi tu tập, ta thường có những vọng tưởng rằng khi mới tu tập thì ta đang ở cõi khổ đau, mê mờ, ta đang ở cõi rác. Khi tu thành rồi thì ta ở cõi hạnh phúc, cõi sáng suốt và ta sẽ sống mãi trong cõi đó, ta cho rằng: khi rác đã trở thành hoa, khổ đau trở thành hạnh phúc, phiền não đã trở thành bồ đề rồi thì ta vĩnh biệt rác, vĩnh viễn xa lìa cõi khổ đau, phiền não. Trên sự thật, thì bông hoa nào cũng sẽ thành rác trở lại. Đó là sự sống, sự sống là vô thường.

Rác và Hoa: nếu không có khổ đau thì không có hạnh phúc.Đó là biện giải đứng về phương diện vật chất. Đứng về phương diện tinh thần cũng vậy, những niềm vui và những đau khổ của ta, tất cả đều theo quy luật vô thường. Chúng là hoa, nhưng sau một thời gian thì trở thành rác. Rác vô thường mà hoa cũng vô thường. Khổ đau vô thường mà hạnh phúc cũng vô thường. Ngu si vô thường mà tuệ giác cũng vô thường.

Nếu là một nhà làm vườn khéo léo khi thấy rác sẽ không sợ, có rác thì ta biến rác thành hoa.

Giống như trong cuộc sống vô thường ta thấy ngu si, phiền não, khổ đau ta vẫn không sợ: có ngu si thì ta biến ngu si thành tuệ giác, có khổ đau thì ta biến khổ đau thành hiểu, thành thương, thành hạnh phúc.

Có thể khẳng định: "Cõi chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau - chỉ là cõi ảo ảnh hư vô, là cõi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người."

IV. NGHỆ THUẬT NUÔI DƯỠNG, CHĂM HOA

Nghệ thuật nuôi dưỡng, chăm hoa dựa trên hai phương diện: nuôi dưỡng, chăm sóc hoa bền lâu và biết cách biến rác thành hoa.

Rác và Hoa: cách nuôi dưỡng và chăm sóc hoa sen bền lâu 1. Cách nuôi dưỡng và chăm hoa bền lâu:

Ta trồng một cái cây, khi cây trổ hoa, khai nhuỵ. Ta muốn giữ bông hoa được lâu dài thì mỗi ngày ta phải cẩn thận theo dõi nguồn nước tưới và canh chừng bảo vệ không cho sâu bọ đục khoét cây, gặm nhắm lá, cắn phá bông hoa. Khi có được sự tưới tẩm, vun trồng và chăm sóc chu đáo của ta sẽ khiến cây được khoẻ mạnh, từ đó có sức chống chọi, nuôi dưỡng bông hoa luôn xinh đẹp, hoa nở dài lâu.

Cái đẹp, cái thiện và cái lành cần phải được tiếp nối càng lâu dài càng tốt, đây là nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc và tuệ giác. Ta có tuệ giác, nhưng nếu không được nuôi dưỡng thì tuệ giác của ta sẽ bị lu mờ.

Tâm là đài gương sáng
Mỗi ngày cần lau chùi

2. Biến rác thành hoa

Quá trình biến rác thành hoa là một quá trình liên tục, hễ có một phiền não còn tồn tại là ta phải nhận diện và ủ nó để nuôi hoa. Ta phải xử lý hoa và xử lý luôn cả rác, xử lý hoa là chăm sóc cho hoa được lâu dài, xử lý rác là biết cách ủ rác và biến rác thành hoa trở lại. Một nhà làm vườn giỏi không bao giờ đi ngược lại nguyên tắc đó.

Xã Hội ngày nay đã có dư giả khổ đau nên ta luôn có sẳn cơ hội để thực tập. Khổ đau cần thiết, nhưng ta không cần phải chế tác thêm nữa vì nó đã có quá nhiều. Rác có quá nhiều, nên bây giờ ta phải học cách chuyển rác thành hoa. Nhờ có rác nên có hoa, nhờ có nhiều rác nên ta có nhiều hoa.
Biến rác thành hoa
Điều xấu, cái dở cần phải được chuyển hóa càng sớm càng tốt, rác phải được sử dụng để nuôi dưỡng hoa.

Tham thiền đạo Bụt
Thiên Hương 


Lý giải:

*Tuệ giác: là cái nhìn sâu vào bản chất bên trong, để nhận biết rõ ràng và chính xác sự vật hiện tượng. Nghĩa là sự vật hiện tượng mà ta biết chính là cái gốc, cái nguyên thủy. Không phải cái nhìn bằng mắt thường, chỉ thấy được bên ngoài sự vật hiện tượng.

Nhờ có tuệ giác khiến ta biết được điều gì hữu ích nên làm để tạo ra hạnh phúc, và những điều có hại cần tránh để không tạo ra đổ vỡ cho mình và cho người khác. Nhờ có tuệ giác mà ta giác ngộ.

*Quán chiếu: là dùng tuệ giác nhìn sâu vào bên trong vấn đề. Sau đó soi rọi lại trong Tâm mình để hiểu rõ bản chất vấn đề từ chính bản thân mình, bằng những quan sát cụ thể xung quanh mình chứ không phải nghiên cứu những thứ trong sách vở. Để từ đó có thể hiểu vấn đề sâu sắc, cặn kẽ, cụ thể hơn nhờ tiếp cận, phân tích, chứng nghiệm.

Ta lấy một ví dụ: chúng ta thường nghe nói Sân là do tham, tham mà không thỏa mãn thì nổi sân… Thế nhưng, trên thực tế Sân không chỉ vì tham thôi đâu, có khi là vì thương nữa. Khi chúng ta thương ai đó, sống hết lòng hết dạ với ai đó mà không được đáp lại thì chúng ta giận, có phải không?

Tóm lại: quá trình tư duy, phân tích, tổng hợp, dựa vào sự quan sát, trãi nghiệm thực tế của bản thân... như vậy gọi là quán chiếu.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn