Có hiểu mới thương

Có một câu truyện kể rằng: Có một thanh niên tốt nghiệp trường Đại Học danh tiếng, vừa đẹp trai, điềm đạm, tài giỏi, gia đình lại rất giàu có. Vậy nên xung quanh anh ta lúc nào cũng có rất nhiều cô gái xinh đẹp vây quanh. Nhưng anh ta lại đặc biệt chú ý đến một cô gái, mà cô này nước da không được trắng, lại hơi thấp người. Đến khi anh ta dẫn cô gái về ăn cơm ra mắt gia đình. Mẹ anh không khỏi thắc mắc không biết lý do tại sao con trai của bà lại chọn cô gái này.

Có hiểu mới thương: cùng đi, cùng hiểu, cùng thương
Thế là tối đó, đợi anh đưa cô gái về nhà xong bà bèn cố tình ngồi đợi con trai về để hỏi chuyện: "Con trai, mẹ thấy con có rất nhiều bạn gái xinh đẹp, dễ thương, tại sao con lại chọn cô gái này? Nó đâu phải là đứa đẹp nhất, xinh nhất, nó thấp người, lại không được trắng lắm?"

Anh chàng nghe mẹ hỏi xong ban đầu có hơi lúng túng không biết trả lời mẹ mình như thế nào vì anh chưa bao giờ tự đặt câu hỏi.

- "Thưa mẹ, con nghĩ đó là tình cảm tự nhiên, thương một ai đó không cần phải có lý do mẹ à!"

Nghe con trai nói thế bà không hỏi gì thêm. Thế rồi anh chàng đi về phòng, nhưng tối đó anh trằn trọc không ngủ được mà suy nghĩ về câu hỏi của mẹ. Suy nghĩ được một lúc, cuối cùng anh cũng tìm ra câu trả lời. Sáng hôm sau, anh vội chạy đi tìm mẹ anh:

- "Thưa mẹ, vì cô ấy hiểu con."

Anh chàng tuy là một Luật sư nhưng lại có sở thích làm thơ. Từ thời sinh viên đến khi đi làm anh làm được hơn trăm bài thơ và tất nhiên đều đặt hết tâm tư tình cảm vào những bài thơ ấy. Mỗi khi đem thơ ra nói chuyện cùng các bạn, những người bạn gái khác khi nghe thơ của anh thường dửng dưng không chú ý gì lắm, chỉ có duy nhất cô ấy là người rất chú tâm lắng nghe, hơn nữa khi cô bình thơ lại chứng tỏ là người rất hiểu thơ của anh. Từ lúc đó anh đặc biệt chú ý đến cô gái đó, mặc dù cô ấy không phải là người xinh nhất.

HIỂU BIẾT LÀ NỀN TẢNG CỦA YÊU THƯƠNG:

Nền tảng trong đạo Bụt là: Từ bi và Trí tuệ.

Từ bi tức là tình thương, còn Trí tuệ là hiểu biết.

Lời Bụt dạy chính là: Thương yêu được hình thành từ sự hiểu biết.

1. Phải hiểu rõ bản thân

Khi có tình yêu thì ta bắt đầu đi trên con đường tìm hiểu khám phá, khám phá bản chất người mình yêu. Tình yêu là cách duy nhất để hiểu được một cách sâu sắc bản chất của một người. Không có tình yêu thì không thể hiểu được người đó.

Nhưng theo bạn thì làm sao mình nắm được bản chất của người khác khi mình không biết được mình là ai? Mình chưa biết mình là ai thì làm sao mình biết được người khác là ai? Tình yêu chân thật là một con đường khám phá. Nếu không có sự khám phá bản thân thì không thể nào khám phá được người khác.

Tôi là một người vốn không ưa mùi nước hoa. Đứa em tôi thì lại rất thích nước hoa. Lần nọ, đang chuẩn bị đi ra ngoài, nó liền chạy lại cầm chai nước hoa chạy lại xịt đầy vào người tôi, bảo là tôi tập dùng thử đi quen rồi nhất định sẽ thích giống nó thôi. Rốt cuộc, hôm đó tôi đành phải ở nhà... tắm rửa thật sạch cho hết mùi nước hoa. Mũi tôi đặc biệt nhạy cảm với mùi hương, loại nào thoang thoảng còn chịu được, nhưng nếu mùi nồng quá tôi ngửi một lúc sẽ rất đau đầu. Bạn thấy đó, em tôi vì thương tôi nên muốn chia sẽ những thứ nó thích cùng tôi, nó nghĩ nó thích nước hoa thì tôi cũng sẽ thích giống nó. Nhưng, thương kiểu đó thêm vài lần nữa thì chắc là tôi... chết, đó là thương nhưng không hiểu.

2. Phải hiểu rõ người mình yêu thương

Người mà ta cảm mến đó có dáng vẻ bề ngoài dễ thương, dễ gần, tốt bụng nhưng là người rất nóng tính, nhiều lúc cô ấy tỏ thái độ rất kì quặc và làm những điều không còn dễ thương nữa. Thì đây là những bức xúc, khi trong lòng cô ấy có thể có những khổ đau, những khó khăn không thể giải toả được, mà nếu ta không hiểu thì không thể nào cảm thương được và tất nhiên khi đó sẽ sinh ra giận hờn, trách móc, buộc tội, lên án. Vậy nên, thương được làm bằng cái hiểu.

Khi ta không hiểu được một người, thì ta không thể nào thương người đó, yêu người đó sâu sắc được.

Mình nói mình yêu thương một người, mà mình không hiểu được người đó là người như thế nào? Khi nào người đó buồn? Khi nào người đó vui? Khi nào người đó nổi giận? Người đó ghét điều gì và thích điều gì nhất?...v..v.. Cái gì mình cũng không biết, thì thương làm sao đây?

3. Đam mê khác với yêu thương

Thương mà không hiểu, tình thương đó chẳng qua là một sự đam mê. Cần phải phân biệt giữa đam mê và tình thương. Đam mê thì đưa đến sự vướng mắc, rồi dìu nhau vào chỗ khổ đau. Còn tình thương thì đưa tới hạnh phúc, tự do cho cả hai phía.

Gặp một người mà khi mình nói, người đó hay cướp lời không có khả năng lắng nghe và hay áp đặt lên mình ý kiến cá nhân của người đó. Nếu mình kết hôn với người đó, mình sẽ khổ suốt đời. Tại vì cô ấy (hoặc anh ấy) không có khả năng lắng nghe, không có khả năng thấu hiểu được mình.

4. Hôn nhân nhất định phải có tình thương

Một khi ta muốn tìm một người để chung sống trọn đời thì nhất thiết càng phải nhớ kĩ nguyên tắc: "có hiểu mới có thương".

Bởi khi mình lấy một người mà người đó không thể hiểu mình thì sẽ không thương mình được. Thì mình biết rằng dù người đó dù cho có địa vị, có sắc vóc, có gia tài kếch sù thì người đó cũng sẽ làm khổ mình suốt đời, phải nhớ điều đó.

Chồng mà không hiểu được vợ thì chỉ làm khổ vợ thôi, làm sao có thể làm cho vợ có hạnh phúc được? Còn vợ mà không hiểu được chồng, không hiểu được những hoài bảo, những ước mơ, những nỗi khổ niềm đau, những khó khăn bức xúc của chồng thì người vợ đó làm sao chấp nhận và thương chồng được?

Hôn nhân có thể mở cửa thiên đàng nhưng cũng có thể mở ra cánh cửa địa ngục.

Trong mối quan hệ gia đình, bạn bè cũng vậy. Nếu người làm cha, làm mẹ không hiểu được con cái mình, thì càng thương chừng nào đứa con nó càng khổ chừng đó! Cha mẹ nào mà không muốn thương con? Nhưng vì không hiểu được những tâm tư tình cảm, những khổ đau, bức xúc của con, cho nên càng thương lại càng làm cho con thêm khổ.

Luôn luôn ghi nhớ rằng "không hiểu thì không thể nào thương".

- Còn tiếp: Cách nuôi dưỡng tình thương - 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn