Cải tiến bộ Tiếng Việt???
Để rút ngắn 10% chữ viết và đỡ hao 10% giấy mực?!Nhưng thay vào đó, toàn bộ sách vở tài liệu (hệ thống chữ viết cũ) phải đem đốt bỏ hết để in mới thì phải tốn hao bao nhiêu tiền của giấy mực thiệt hại đây?
Chưa kể, nếu đề xuất cải tiến bộ Tiếng Việt mới được chấp nhận sẽ làm cho toàn dân mù chữ - hơn 90 triệu con người trên đất nước Việt Nam phải học đánh vần, viết chữ lại từ đầu, như vậy còn tiêu tốn giấy mực và thời gian gấp trăm, ngàn lần hơn??? Thử hỏi có bất cập không? Có khả thi không? Có quá lãng phí không?
Cải tiến bộ Tiếng Việt mới: nên đọc làm sao? |
LỢI ÍCH chưa thấy đâu, đã thấy TRĂM ĐIỀU HẠI!
Vậy thử hỏi: ĐỔI MỚI ĐỂ LÀM GÌ?
1. Có ý kiến cho rằng không bàn về vấn đề lợi ích, mà Tiếng Việt hiện tại rất khó học, lại hay viết sai lỗi chính tả! Nên cần có sự cải tiến!???
Nếu nói Tiếng Việt khó học điều đó chắc chắn không đúng: bằng chứng chúng ta có những người ngoại quốc nói và viết Tiếng Việt rất thành thạo và lưu loát, như tiếng mẹ đẻ: điển hình là anh Ca sĩ Kyo York (người Mỹ), và Thầy Valentine C (người Canada) là một giảng viên dạy ở Trung Tâm Anh Ngữ... ngoài ra còn rất nhiều người ngoại quốc khác hiện đang sinh sống tại Việt Nam có thể nói tiếng Việt lưu loát. Điều này một lần nữa khẳng định Tiếng Việt của chúng ta không hề khó học.Thực tế, việc khó hay dễ là còn tuỳ vào mỗi người. Đối với bản thân tôi và nhiều bạn bè khác trong lớp ngay từ khi học lớp 5, lớp 6 đã có thể viết chính tả hiếm khi mắc lỗi (nếu nói hoàn toàn không mắc lỗi thì thiếu chính xác. Thậm chí, ngay cả đối với người Mỹ khi họ sử dụng tiếng anh thỉnh thoảng cũng sẽ vẫn có sự nhầm lẫn về phát âm và ngữ pháp. Đôi khi sự thiếu sót và nhầm lẫn trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, quan trọng nhất vẫn là chúng ta nhận ra thiếu sót đó và giảm thiểu nó ngày một ít dần đi)
2. Lại có ý kiến cho rằng chúng ta đang hướng tới điều tốt đẹp hơn, nên tạo điều kiện cho cái mới có điều kiện phát triển sau đó mới đánh giá. Chúng ta kỳ thị cái mới, là đi ngược lại sự phát triển của Xã Hội, là không cho cái mới có điều kiện phát triển... vân vân...
Đồng ý với việc: "Sự phát triển, gắn liền với sự đổi mới - tiến bộ hơn."Thí dụ: Trước đây mọi người lái xe nhưng không đội nón bảo hiểm. Hiện tại, chúng ta cần thiết phải đội mũ bảo hiểm vì nó đem lại sự an toàn và bảo đảm tính mạng cho bản thân chúng ta và mọi người xung quanh khi tham gia giao thông. Mang lại lợi ích thiết thực - Hoàn toàn đồng ý!
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng: "Có những giá trị mãi mãi vẫn không thể thay đổi"
Tôi đưa ra một dẫn chứng: món ăn truyền thống của người Việt Nam trong mỗi bữa ăn gia đình đó là: bát cơm, ăn kèm với nồi kho quẹt, canh rau củ sạch ngon, hoặc tô canh chua... chấm cùng với dĩa nước chấm.
Đó là những món ăn đặc trưng mang hương vị rất riêng của quê hương Việt Nam, để những người con xa xứ khi nhớ về quê hương vẫn hay nghĩ tới một tô canh chua canh bông súng, hoặc giả thèm một dĩa cà luộc chấm tương... hay hương vị lẩu bông điên điển Miền Tây...
Nếu có một ngày, có người bảo rằng đã mất quá nhiều thời gian để nấu cơm, làm đồ ăn, hoặc để làm nước tương phải ủ chượp đậu nành mất thời gian quá lâu. Họ muốn tiết kiệm 10% nấu ăn, chế biến, và 10% thời gian ăn và rửa chén, họ thay đổi nó bằng cách thay vì ăn cơm họ ăn bánh mì, sandwich với thức ăn nhanh đóng hộp để đỡ mất thời gian... Thử nghĩ xem, nếu họ thay đổi những giá trị truyền thống đó, HỌ SẼ LÀ AI?
Do đó, có những giá trị, có những truyền thống mà mãi mãi nó đã trở thành gốc rễ là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nếu bạn tìm cách thay đổi, đồng nghĩa với việc bạn đang bứng đi gốc rễ, đang chôn vùi cội nguồn của dân tộc.
Bên cạnh đó, xin nhắc nhớ rằng chúng ta còn có vô số những điều tốt đẹp cần đổi mới cấp thiết hơn, quan trọng hơn gấp trăm ngàn lần cái 10% thời gian rút ngắn chữ viết và vài trang giấy mực đó:
1. Chúng ta cần thiết phải làm hệ thống tàu điện, hoặc cầu vượt trên không để giải quyết vấn nạn ùn tắt giao thông kẹt xe hàng giờ đồng hồ trong những giờ cao điểm tại các thành phố lớn - điển hình là TP Hồ Chí Minh.2. Chúng ta cần cải tiến hệ thống xử lý nước thải tốt hơn. Bởi hiện nay chỉ cần mưa to vài giờ ở TP. Hồ Chí Minh sẽ ngay lập tức trở thành một biển nước có thể bơi xuồng được trên phố. Nhà nhà lớp lớp người dân lẫn xe cộ chết máy chìm trong biển nước, phải chịu trận hàng giờ đồng hồ không thể "nhúc nhích"... tài sản hư hại không thể kể xiết.
3. Chúng ta cần giải quyết tình trạng không khí và nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Nhất là trên các con sông ở Sài Gòn. Khi bạn bè ngoại quốc tham quan Sài Gòn xong, họ hỏi rằng: tại sao các con sông ở Sài Gòn lại dơ bẩn vậy? Nó đen và hôi như nước cống? Thật kinh khủng!!! Tôi không thể tin được, làm sao mà người dân có thể sống trong một môi trường ô nhiễm và bẩn như vậy được??? Có bao giờ các bạn được nghe những câu hỏi như vậy chưa? Có ai giúp tôi phải trả lời như thế nào không?
4. Thỉnh thoảng, cứ cách không lâu chúng ta lại thấy nhan nhản trên Facebook, báo chí và các trang mạng Xã Hội chia sẽ những video clip chấn động về tình trạng bạo lực học đường, tình trạng bị xâm hại, nạn bạo hành trẻ em ở trường học... những tệ nạn có thể làm cho nhiều em bị chấn thương tâm lý, bị ám ảnh cả đời. Trong số đó, có em trở nên sống khép kín hơn, gặp trở ngại trong giao tiếp Xã Hội. Nghiêm trọng hơn, việc bạo hành có thể làm các em mất niềm tin vào con người, vào tình yêu thương, vào Xã Hội...
Đây chỉ mới là những liệt kê sơ bộ. Trên thực tế, đất nước chúng ta còn rất nhiều những vấn đề nhức nhối trong Xã Hội cần phải được quan tâm chấn chỉnh và đổi mới thì lại không thấy đưa ra những giải pháp cụ thể?
Tại sao những vấn đề cấp thiết, những vấn đề liên quan đến sự sống còn, sự phát triển của các em lại không được quan tâm? Trong khi đó lại dành thời gian cải tiến Tiếng Việt?
Thực tế, ngôn ngữ chỉ là một phương tiện để chúng ta thể hiện cảm xúc và tình cảm. Khi bạn vô cảm, bạn không có tình thương, không có ý thức đối với cuộc sống và mọi thứ chung quanh thì ngôn ngữ cũng giống như rác - nó không có giá trị.Vấn đề của nền giáo dục Việt Nam không phụ thuộc vào chữ viết, mà điều quan trọng nhất chúng ta cần làm nhất hiện nay đó là: PHẢI GIÁO DỤC Ý THỨC cho con người.
Thiên Hương