Giáo dục: Ngưng ngụy biện | Ngụy biện là gì?

Có 2 Thầy giáo. Một Thầy (T) vừa giỏi vừa hiền từ Đức độ lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho người khác. Mỗi khi Thầy nói chuyện lời lẽ rất khoan thai nhẹ nhàng và từ tốn, hơn nữa Thầy cũng đặc biệt rất chú ý đến từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói của mình để các học trò lấy đó làm tấm gương sáng mà noi theo. Còn trong cư xử hàng ngày Thầy lại rất khéo léo, tránh nói những lời làm tổn thương đến người khác. Thầy là người trung thực và có lối sống giản dị, nhưng thỉnh thoảng đối với một số trường hợp đặc biệt phải bất đắc dĩ lắm Thầy mới phải nói dối, nhưng lời nói dối đó là hoàn toàn vô hại - Thầy nói ra chỉ với một mục đích duy nhất là mong muốn giúp đỡ và mang lại điều tốt đẹp cho mọi người.

Giáo dục: Ngưng ngụy biện | Ngụy biện là gì?Còn người kia là một Thầy (L) vừa bất tài lại vô Đức-vô Ngôn-vô Hạnh vì hám danh, hám lợi đã ăn cắp trắng trợn những thành quả của những người khác. Lời lẽ khi phát ngôn thì hết sức thô tục, không xem ai ra gì, lại rất giỏi xảo ngôn, ngụy biện che lắp hòng lừa gạt tất cả mọi người.

Đang kể đến đây, một học sinh trong lớp giơ tay lên hỏi: "Thưa cô, thế nào mới gọi là ngụy biện ạ? Cô có thể lấy ví dụ thực tế để tụi con hiểu rõ được không ạ?"

- Tất nhiên là được chứ, cô sẽ kể câu chuyện này để cho các con dễ hiểu hơn nhé:

NGỤY BIỆN LÀ GÌ???

"Có hai cậu học trò tên Trắng và Đen gia đình đều rất giàu có, cha mẹ cho theo học đúng lớp của ông Thầy (L) kia . Cậu Trắng thì học rất giỏi, cậu Đen thì lo ham chơi nên học dở. Sau khi tốt nghiệp 12 xong, cả hai cậu học trò này đều được cha mẹ tiếp tục cho đi du học nước ngoài. Học xong, các em thử nghĩ xem, hai người họ liệu rằng ai sẽ quay trở về nước làm việc trước?"

- Chắc chắn là cậu Trắng rồi đúng không ạ! Một em học sinh nói với thái độ đầy tự tin.

"Không đúng rồi, là cậu Đen kia mới đúng. Bởi vì cậu Đen do học theo ngành học mà bố mẹ chọn, mà chương trình giáo dục ở nước ngoài lại vô cùng nhàm chán, nên cậu Đen càng ngày càng chán nản, đâm ra học hành sa sút cuối cùng đã bỏ học ngang giữa chừng. Do đó bắt buộc phải quay về nước sớm và sau khi về nước cậu Đen đã xin làm một công việc mới. Còn cậu Trắng do vô cùng thông minh khi ra trường có thành tích rất xuất sắc nên sau khi ra trường đã tìm được ngay công việc tại một công ty lớn ở nước ngoài và đã định cư ở nước ngoài luôn, không quay về nước nữa. Cô nói có đúng không? Theo các con thì ai sẽ về nước làm việc trước?"

- Đúng rồi ạ. Là cậu Đen ạ!! Gần cả lớp đồng thanh hô lên.

"Sai rồi, phải là cậu Trắng chứ. Vì cậu Trắng quá giỏi lại thêm sau một thời gian ra nước ngoài ít nhiều cũng tiếp thu được môi trường giáo dục tiến bộ & Xã Hội văn minh ở nước ngoài, cộng thêm được học phương pháp giáo dục quá cao siêu của ông Thầy (L) ở trong nước đào tạo nhân cách con người hội tụ Tài Đức - vừa hồng vừa chuyên - quá hoàn mỹ tốt đẹp nên sau khi học xong cậu Trắng đã ở lại nước ngoài làm việc thêm 2 năm để có thêm kinh nghiệm thực tế, sau đó liền quay về nước đóng góp công sức xây dựng quê hương Tổ Quốc chứ sao lại định cư ở nước ngoài luôn vô lý như vậy được? Còn cậu Đen sau khi được học tập ở môi trường giáo dục tiến bộ ở nước ngoài mới hiểu ra được ngành học mà mình thực sự yêu thích là gì, nên sau khi tốt nghiệp ngành học thứ I mà bố mẹ chọn, cậu Đen đã tiếp tục học thêm ngành học thứ 2 mà mình yêu thích và sau đó cũng quay về nước. Do vậy nên cậu Đen mới về nước muộn hơn cậu Trắng nhưng rất xứng đáng vì cậu Đen nhờ đó mà đã làm được công việc đúng với chuyên ngành học mà mình đã được học ở nước ngoài. Các con hãy suy nghĩ kĩ xem, rốt cuộc là ai sẽ về nước làm việc trước đây?"

- Là cậu Trắng ạ?!. Lúc này chỉ có nữa lớp có chút phân vân trả lời lại đáp án ban đầu.

"Cô rất lấy làm tiếc, lại sai nữa rồi. Phải là cả hai người về nước cùng một lúc chứ. Nguyên nhân là do cả hai cùng độ tuổi, tốt nghiệp cùng năm, lại cùng đi du học nước ngoài - được học những điều hay cái mới, tư tưởng tiến bộ ở nước ngoài, từ nhỏ lại được học phương pháp giáo dục đào tạo nhân cách số 1 Thế giới của Thầy (L) - sản xuất ra thế hệ thập toàn thập mỹ Tài Đức vẹn toàn. Mà câu phải thuộc nằm lòng đầu tiên phải là "yêu tổ quốc yêu đồng bào", thì chắc chắn khi học xong phải cùng nắm tay nhau về nước để góp phần xây dựng củng cố đất nước mới phải đạo lý làm người chứ? Các con nói xem có đúng là như vậy không? Vậy cuối cùng thì ai sẽ là người về nước làm việc trước đây?"

- Vậy là cả hai người sẽ cùng về ạ! Lúc này chỉ còn một số ít học sinh miễn cưỡng trả lời.

"Câu trả lời này cũng không đúng. Mà là cả hai người học sinh đó đều sẽ không quay trở về nước làm việc nữa. Bởi vì Đen và Trắng không những được học tập theo phương pháp giáo dục của Thầy (L) giảng dạy, mà cũng đã tiếp thu luôn cả những thủ đoạn, mánh khoé, khôn lõi của thầy L để có thể tận dụng mọi cơ hội để giành lợi ích nhiều nhất về cho bản thân. Cậu Đen sau khi đi du học do được đào tạo ở nước ngoài đúng với ngành học mà mình yêu thích, vì vậy cậu Đen sau khi ra trường đã tìm được việc và định cư luôn ở nước ngoài. Cậu Trắng cũng vậy, đã làm việc và sinh sống luôn ở nước ngoài."

Lúc này các học sinh đồng thanh nói: - Mỗi lần cô nói đều không giống nhau, nhưng nghĩ lại thì đều có đạo lý cả, chúng con nghe xong thật sự thấy rất rối rắm và chẳng thể nào lý giải được, xin cô hãy giải thích rõ hơn cho chúng con hiểu rõ ạ!

Thật ra câu chuyện này rất đơn giản. Tình huống trên ta đặt ra đã vận dụng cách suy luận Logic chính xác. Nhưng trên thực tế lại không đúng với quy luật khách quan (không giống với kết quả ngoài đời thực của 2 cậu học sinh Trắng và Đen kia). Thủ đoạn ngụy biện thông thường sẽ thay đổi luận đề, nguỵ tạo căn cứ (tạo ra những lý lẽ sai trái hoặc chứng cứ giả), giải thích vòng vo, cưỡng từ đoạt lý, cắt câu lấy nghĩa...

Ngụy biện nói cho đơn giản và dễ hiểu thực chất là một lời nói dối. Nhưng lời nói dối này khác hoàn toàn với lời nói dối của Thầy (T) ở đặc điểm: đây là ngụy biện (nói dối) có chủ đích từ trước nhằm mục đích mưu cầu lợi ích cho bản nhân, tất nhiên là nó sẽ chẳng mang lại bất cứ điều tốt đẹp gì cho người khác - ngược lại thiệt hại của nó mang đến là khôn lường trước được - có thể hệ luỵ của nó không chỉ là thiệt hại về mặt vật chất mà còn là những thiệt hại lâu dài vô cùng lớn lao về mặt tinh thần.

NHỮNG LÝ LẼ SAI TRÁI TRONG NGỤY BIỆN:

- Thưa cô, vậy có nghĩa ngụy biện chính là cố ý nguỵ tạo căn cứ một cách khéo léo hòng đánh lừa chúng ta. Nhưng con vẫn còn thắc mắc nếu đối phương đã cố tình sắp đặt để nguỵ tạo những lý lẽ sai trái hoặc chứng cứ giả từ trước vô cùng tinh vi và khéo léo thì thật là không dễ dàng gì để chúng ta phát hiện ra. Thưa cô, cô có thể kể một ví dụ thực tế để tụi con nhận ra đâu là chứng cứ được nguỵ tạo và những lý lẽ sai trái đó không?

"Được rồi, vậy cô lại kể tiếp cho các em nghe một câu chuyện nữa nhé: Cũng vẫn là cậu Đen và cậu Trắng kia. Hai cậu này đã cùng nhau chui qua một lò than. Khi hai người chui từ lo than ra, cậu Trắng thì lem luốc khắp người, còn cậu Đen ngược lại rất sạch sẽ. Vậy các em cho cô biết rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước đây?"

- Điều này quá rõ ràng rồi ạ, tất nhiên là Cậu Trắng rồi ạ. Một học sinh nói.

"Rất tiếc là không đúng! Do bởi cậu Trắng nhìn thấy cậu Đen rất sạch sẽ, vì thế cậu ta đương nhiên đã nghĩ rằng từ trong lò than chui ra nhất định cũng sẽ sạch sẽ. Ngược lại, cậu Đen thì lại thấy cậu Trắng bị bám bụi than khắp cả người, nên chắc chắn sẽ cho rằng từ trong lò than chui ra sẽ rất là bẩn. Các em thử nghĩ xem, vậy ai sẽ là người đi tắm trước?"

- Thưa cô, em biết rồi ạ. Khi anh Trắng nhìn thấy anh Đen rất sạch sẽ, vì thế anh ta cũng tưởng rằng bản thân cũng rất sạch sẽ. Còn anh Đen do thấy anh Trắng toàn thân đều bị bám bụi than, nên tất nhiên sẽ cho rằng chắc chắn bản thân mình cũng bẩn giống như vậy. Vậy nên, đương nhiên là anh Đen sẽ chạy đi tắm trước rồi! Có đúng vậy không ạ?

"Cũng vẫn không đúng. Các em thử nghĩ xem, hai người họ cùng chui ra từ 1 lò than nhơ bẩn, làm sao có thể có chuyện một người thì lem luốc bẩn thỉu, còn người kia lại vô cùng sạch sẽ được chứ? Đây chính là những lý lẽ sai trái, trái với quy luật khách quan trong ngụy biện."

Thiên Hương

Lời bàn:

Trí tuệ chỉ nên sử dụng mỗi khi thật nguy cấp và chỉ với một mục đích duy nhất là để cứu giúp người thì ánh sáng trí tuệ đó mới có thể ngày càng được khai sáng, mới có thể nhìn thấy được nhiều thứ bình thường không thể nhìn thấy được. Ngược lại, nếu sử dụng trí tuệ để bày mưu tính kế hòng lừa gạt, hãm hại người ta, hay vụ lợi bất chính vì mục đích tư lợi cá nhân thì nhất định sẽ sản sinh ra tâm ma - chính tâm ma này lâu ngày sẽ dần giết chết đi trí tuệ - sẽ khiến kẻ đó ngày một trở nên ngu si hơn đần độn hơn, và chắc chắn sẽ có một ngày "gậy ông sẽ đập lưng ông" - và còn bị người đời khinh khi phỉ nhổ, khi chết đi vong hồn có thể sẽ bất định bất tán, không được siêu thoát, vạn kiếp bất phục.

Giữa người với người phải dùng sự chân thành mà đối đãi. Nếu gian dối ắt sẽ gặp dối gian. Nếu xảo trá ắt gặp mánh khoé. Nếu khôn ranh sẽ gặp ma mãnh. Nếu vô tâm ắt gặp vô cảm. Nếu ích kỷ ắt sẽ gặp tư lợi. Nếu hèn ác ắt gặp ác hèn. Nếu trung thực nhất định sẽ gặp thiện lương. Cuộc sống này vốn dĩ rất công bằng. Chỉ là xem người đó có đủ trí huệ để nhận ra hay không.

Thế giới rộng lớn, Ai có thể che hết? Cái kim trong bọc có ngày rồi cũng lòi ra. Sự thật thì muôn đời cũng vẫn là sự thật.

Chỉ có lòng từ bi và sự chân thành mới có thể cảm hoá được vạn vật chúng sinh.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn