Cổ Học Tinh Hoa: Kết cuộc của kẻ ngoại tình

Ngày xưa, dưới thời phong kiến, đàn ông được phép có vợ hai vợ ba. Có người có hai vợ, hai cô vợ cùng đẹp, cùng xinh.

Anh láng giềng thấy thế bèn lân la sang trêu ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận lắm quát mắng thậm tệ. Anh láng giềng lại quay sang ghẹo người vợ lẽ, người vợ lẽ bằng lòng và đi lại.
Cổ Học Tinh Hoa: Kết cuộc của kẻ ngoại tình
Kết cuộc của kẻ ngoại tình
Không bao lâu sau, người có hai vợ ấy chết. Anh láng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại sang giạm hỏi người vợ cả.

Có kẻ thấy thế bèn hỏi rằng:

- "Người vợ cả trước đã mắng anh thậm tệ, người vợ lẽ thì vẫn có tình với anh, sao bây giờ anh lại định lấy người vợ cả?"

Anh ta đáp:

- "Lúc còn là vợ người, thì thích kẻ tư tình với mình; lúc đã là vợ mình, thì thích kẻ không tư tình với ai. Kẻ, trước đã có tư tình với tôi, thì cưới nó về rồi, ai nó cũng tư tình được, thiên hạ ai cũng là chồng nó được. Cho nên bây giờ tôi không lấy nó".

Thế mới hay những kẻ ăn ở bất chính, đi ngoại tình thì dù làm cho người ta bằng lòng đến đâu, người ta vẫn rẻ rúng khinh bỉ.

Sưu tập và kể lại: Thiên Hương

Chú thích:

Bất chính: nghĩ, làm không ngay thẳng thường hay tráo trở hai lòng.

Tính cuộc vuông tròn: suy nghĩ đắn đo về việc lấy vợ lấy chồng.

Tư tình: ngoại tình, có tình riêng với kẻ khác.

Lời bàn:

Những kẻ ngoại tình, ăn ở hai lòng như người vợ lẽ đối với người sớm hôm đầu ấp tay gối với mình còn lừa dối, phản bội được thì thiên hạ này nó còn thật bụng được với ai? Do đó, người xưa ai ai cũng khinh bỉ mà gọi những kẻ đó là kẻ bất chính, kẻ phản trắc.

Còn người có đức hạnh, lòng dạ ngay thẳng chính trực như người vợ cả thì lúc nào cũng thuần chất, thẳng ngay. Đôi khi làm người khác không hài lòng bởi tính bộc trực nghĩ sao nói đó, nhưng trong bụng vẫn kính phục vô cùng.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn